Bệnh rối loạn tiền đình là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình của cơ thể. Bệnh gây ra các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng và buồn nôn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về rối loạn tiền đình là bệnh gì. Bao gồm nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị.
Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình…
Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hoặc do các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.
Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác. Bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:
- Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
- Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng
Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
Khi dây thần kinh này bị tổn thương sẽ khiến cho hệ tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn… Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột. Điều này khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.
Thông thường, rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Phân loại rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên
Thường gặp ở 90% – 95% bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên, biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân. Triệu chứng thường xuyên khiến bệnh nhân chóng mặt và mất thăng băng nhiều nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu người bệnh bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng còn có các triệu chứng đi kèm. Ví dụ như nôn ói nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi. Nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương
Rối loạn tiền đình trung ương do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Thường gặp với những biểu hiện của tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương. Người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt. Thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Tuy vậy nhóm bệnh này thường nguy hiểm và khó chữa hơn nhóm bệnh tiền đình có nguyên nhân ngoại biên.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Nguyên nhân tiền đình ngoại biên
Rối loạn tiền đình ngoại biên liên quan đến bộ phận tiền đình ở vùng tai trong. Ví dụ như sỏi tai trôi tự do trong ống bán khuyên hoặc dính vào đài tai thì có thể gây chóng mặt khi thay đổi tư thế. Một số nguyên nhân khác như: do dùng thuốc, mệt mỏi, người trầm cảm, mất ngủ gây rối loạn tiền đình ngoại biên.
Viêm dây thần kinh tiền đình: Do virus Zona, thủy đậu, quai bị, gây liệt dây thần kinh tiền đình dẫn đến chóng mặt xuất hiện đột ngột, kéo dài nhiều giờ đến vài tháng nhưng không rối loạn thính lực (khác với hội chứng Meniere).
Rối loạn chuyển hóa: tiểu đường, tăng ure huyết, suy giáp…
Nguyên nhân tiền đình trung ương
Rối loạn tiền đình trung ương liên quan đến tổn thương ở não, tai biến mạch máu não, tổn thương hệ động mạch sống nền sau cổ. Bệnh chủ yếu xảy ra với những bệnh nhân có tuổi. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khác liên quan đến những tổn thương ở vùng tiểu não đều có thể gây lên rối loạn tiền đình trung ương.
- Thiểu năng tuần hoàn sống nền
- Hạ huyết áp tư thế
- Hội chứng Wallenberg
- Nhồi máu tiểu não
- Xơ cứng rải rác
- U tiểu não…
- Nhức đầu Migraine
- Bệnh Parkinson
- Giang mai thần kinh
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình bao gồm:
- Tuổi tác: phần lớn những người ở độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tiền đình cao hơn do suy giảm chức năng của 1 số cơ quan. Theo số liệu thống kê, cứ trung bình 100 người từ 40 tuổi trở lên thì có 35 người mắc bệnh lý tiền đình.
- Mất máu quá nhiều: những người bị mất máu do chấn thương.
- Căng thẳng
- Dùng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia…
Các biện pháp giúp quá trình điều trị bệnh hiệu quả
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau.
- Tăng cường vận động thể dục thể thao nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn não. Người bệnh nên thận trọng các động tác vận động quá sức, các tác động vùng đầu cổ. Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các bài tập này sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể. Bên cạnh đó, việc này giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn.
- Tránh đi máy bay nếu đang bị viêm xoang, viêm tai hoặc tai bị tắc nghẽn. Tránh nghe nhạc với âm thanh lớn. Tránh nơi có nhiều tiếng ồn hoặc ra ngoài trời nắng mà không sử dụng vật che chắn.
- Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Tìm cách hạn chế căng thẳng trong sinh hoạt và lao động. Có thể xen kẽ các khoảng thời gian nghỉ ngắn. Đồng thời bạn nên có sự sắp xếp và phân bổ công việc để tránh bị quá tải.
- Có chế độ ăn uống hợp lý. Ăn đầy đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Ăn nhiều rau, củ, quả. Hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
- Hạn chế tối thiểu rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích có hại. Uống đủ nước mỗi ngày. Điều này giúp cung cấp đủ nước cho quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể.
- Thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết. Nếu các biện pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình trên không có hiệu quả thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Kết luận
Rối loạn tiền đình là một tình trạng phổ biến. Bệnh có thể gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bạn nghi ngờ mình bị rối loạn tiền đình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu bạn cần giải đáp vấn đề liên quan đến rối loạn tiền đình hãy nhanh tay liên hệ với Nhà thuốc Đức Thịnh Đường qua Fanpage hoặc website của chúng tôi ngay nhé. Tham khảo các sản phẩm thuốc điều trị rối loạn tiền đình của chúng tôi.
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN ĐỨC THỊNH ĐƯỜNG
- Website: www.ducthinhduong.com
- Địa chỉ Hải Phòng: 8/5/47 phố Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng
- Hotline: 0225.3826.056/ 0966.898.161
- Địa chỉ Hà Nội: 32/12 phố Văn Phú, Hà Đông